Tìm lối đi cho làng nghề đá chẻ Hoà Sơn - Bài 2: Hướng đi nào cho sản phẩm Hòa Sơn?
 
Hầu hết các cơ sở sản xuất đá chẻ Hòa Sơn (Hòa Vang, Đà Nẵng) mới chỉ chú trọng sản xuất đơn thuần mà bỏ qua công đoạn thương mại hóa sản phẩm; chưa xác định được hướng phát triển về lâu dài để xác lập vị trí, xây dựng thương hiệu đá chẻ Hòa Sơn.

Các cơ sở sản xuất đá chẻ mới chỉ dừng lại ở sản xuất đơn thuần, chưa chú trọng đến khâu thương mại hóa sản phẩm

Ít loại sản phẩm, đầu ra phụ thuộc “con buôn”

Mặc dù có lợi thế lớn về nguồn nguyên liệu, tuy nhiên, qua gần 20 năm phát triển, đến nay nghề làm đá chẻ Hòa Sơn vẫn “giậm chân tại chỗ”, mới chỉ có rất ít cơ sở sản xuất đầu tư, phát triển sản phẩm bài bản.

Khảo sát tại các cơ sở sản xuất đá chẻ Hòa Sơn, hầu hết tại các cơ sở mới chỉ sản xuất 1 loại sản phẩm đá chẻ với nhiều kích thức khác nhau như 5 x 10 x 1 (ngang, dài, dày), hoặc 5 x 15 x 1, hay tương tự chứ không có nhiều mẫu mã sản phẩm. Theo chia sẻ của các thợ làm đá chẻ, loại đá chẻ Hòa Sơn do có sớ nên việc chẻ đá khi đã qua giai đoạn cắt khá đơn giản. Và loại đá có kích thước sẵn như trên cũng dễ làm và đơn giản nhất, không yêu cầu kỹ thuật hay độ khéo léo cao. Cũng chính vì vậy, hầu hết các cơ sở chỉ sản xuất loại sản phẩm này mà không chủ động tìm những tòi và sản xuất ra những mẫu mã khác.

Bên cạnh đó, đầu ra của sản phẩm cũng là một câu hỏi lớn để trả lời cho việc nghề đá có phát triển bền vững và có sức cạnh tranh được hay không. Trên thực tế, hầu hết các cơ sở sản xuất đá chẻ mới dừng ở sản xuất đơn thuần, không chú trọng thương mại hóa sản phẩm.

Ông Nguyễn Mai Huynh, một chủ cơ sở đá chẻ tại thôn Phú Thương, Hòa Sơn cho biết cơ sở ông mới chỉ sản xuất một loại sản phẩm đá chẻ như trên. Và đầu ra của sản phẩm phụ thuộc vào thương lái. “Mình sản xuất ra rồi con buôn đến thu mua thôi, chứ cũng không ai đi tiếp thị hay tìm đầu ra gì cả. Bạn hàng cũng không cố định, họ đến mua thấy phù hợp thì bán thôi”, ông Huynh nói. Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các cơ sở đá chẻ Hòa Sơn.

Do phụ thuộc vào thương lái, nên việc sản xuất cũng cầm chừng, và cũng vì vậy, hầu hết các chủ cơ sở đều cho biết họ duy trì sản xuất bình thường, khi nào nhu cầu thương lái cần nhiều thì làm thêm, lúc thương lái không mua hoặc giảm thì sản xuất chững lại.

Mặc dù đã thành lập công ty và hoạt động và doanh thu khá ổn định, tăng đều qua các năm nhưng cũng như cơ sở sản xuất của ông Huynh, cơ sở sản xuất đá chẻ Hòa Sơn – Sài Gòn do bà Nguyễn Thị Kim Năng cũng chỉ sản xuất cố định loại đá kích cỡ chung, chỉ khác là đơn vị này đã có những đơn hàng xuất đi TP. Hồ Chí Minh và có bạn hàng truyền thống. Nhưng cơ sở này cũng không hề có bộ phận martketing hay tiếp thị sản phẩm mà để họ tự tìm đến mua.

Dư địa thị trường lớn

Theo bà Năng, sản phẩm đá chẻ Hòa Sơn rất được ưa chuộng tại thị trường phía Nam sử dụng làm đá ốp trang trí nội thất. "Hầu như đến hiện tại các cơ sở đá làm ra đều được thu mua hết, dư địa thì trường rất lớn. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu thêm nhiều cơ sở nữa thì chắc sẽ khó khăn đầu ra", bà Năng nói. Và dù thừa nhận nếu chỉ làm 1 sản phẩm, và thêm nhiều cơ sở ra đời thì sẽ khó khăn đầu ra, nhưng bà Năng cũng cho rằng hiện cơ sở đá của bà cũng như nhiều cơ sở khác không nghĩ đến việc cần phải tiếp thị sản phẩm hay chào hàng để mở rộng thị trường.

Là một trong số rất ít đơn vị hoạt động có đầu tư bài bản, bà Nguyễn Thị Phương – Chủ cơ sở đá Phương Anh Phú cho biết, thị trường cho đá chẻ Hòa Sơn là vô cùng lớn, trong đó có cả dư địa xuất khẩu. Và nếu muốn phát triển bền vững và khẳng định được thương hiệu và có chỗ đứng thì phải đầu tư đa dạng hóa sản phẩm. “Công ty chúng tôi ngoài làm các sản phẩm đá chẻ như truyền thống (có kích cỡ sẵn), thì còn nhận những đơn hàng làm theo yêu cầu, khách hàng đưa mẫu giá chúng tôi sẽ thực hiện”. Theo bà Phương đá nguyên liệu để làm đá chẻ Hòa Sơn là một loại đá đặc biệt – đá có sớ. “Cả khu vực miền Trung chỉ có Hòa Sơn mới có nguyên liệu đá này. Vì nó có sớ nên có thể chẻ ra rất mỏng đến 3mm”, bà Phương nói và cho biết nhờ lợi thế đó, Công ty đã nhận làm những sản phẩm ngói từ đá, với độ dày của viên ngói chỉ từ 3mm. Ngoài ra, nhờ việc đa dạng hóa sản phẩm, làm sản phẩm theo mẫu mã khách hàng yêu cầu nên một số đối tác nước ngoài đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản đã tìm đến doanh nghiệp để đặt hàng các sản phẩm đá chẻ.

“Hiện chúng tôi cũng đang suy nghĩ, thiết kế thêm những mẫu đá nội thất mới làm sẵn (không theo đơn đặt hàng) để đa dạng chủng loại sản phẩm. Bởi nếu cứ sản xuất ồ ạt một loại sản phẩm sẽ có lúc các cơ sở trong cùng làng nghề lại cạnh tranh khách hàng với nhau, và như vậy thì chỉ có đứng lại hoặc đi lùi chứ không phát triển lên được”, bà Phương nói.

tim loi di cho lang nghe da che hoa son bai 2
Mái vòm một công trình tại Đà Nẵng được ốp bằng ngói đá chẻ Hòa Sơn với độ dày chỉ 3mm

Ông Nguyễn Duy Phương – Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn (Hòa Vang) cho biết lâu nay đầu ra của sản phẩm đá chẻ đều do các hộ sản xuất tự thực hiện. Mới đây TP. Đà Nẵng đã có chủ trương mở rộng làng nghề, đồng thời thông qua đề án phát triển Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn. “Trong thời gian tới, xã sẽ có đề nghị huyện (Hòa Vang) và Sở Công Thương thành phố hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn cho các cơ sở đổi mới sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa”, ông Phương nói và cho biết thêm Sở Công Thương hiện đang hỗ trợ làng nghề xây dựng và đăng ký thương hiệu làng nghề đá chẻ Hòa Sơn làm bước đầu trong quá trình thực hiện cso hiệu quả đề án Phát triển làng nghề đá chẻ Hòa Sơn.